Nếu bạn là một "runner" hoặc chỉ đơn thuần là người quan tâm theo dõi các môn chạy bộ, chắc hẳn bạn sẽ nhận thấy rằng hầu hết những người về đích đầu tiên ở các cuộc đua marathon đều đến từ Kenya.
Kỷ lục thế giới ở nội dung marathon hiện tại thuộc về cố vận động viên Kelvin Kiptum với thành tích 2:00:35 đạt được ở Chicago vào tháng 10/2023. Anh phá kỷ lục cũ của Eliud Kipchoge, người luôn được coi là huyền thoại của làng chạy thế giới, là 2:01:09. Cả Kiptum và Kipchoge đều là người Kenya.
Soi kĩ số liệu thống kê, bạn sẽ thấy sự vượt trội của các vận động viên Kenya còn rõ ràng hơn nữa. Theo số liệu đến năm 2023, chỉ có 17 vận động viên nam người Mỹ chạy marathon dưới 2 giờ 10 phút. Thế nhưng, chỉ trong một cuộc đua duy nhất vào tháng 10/2011, đã có tới 32 vận động viên Kenya đạt được thành tích này!
Đây hoàn toàn không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Các vận động viên Kenya đã thống trị thế giới chạy đường dài trong nhiều thập kỷ, liên tục phá kỷ lục và giành huy chương tại các sự kiện lớn như Thế vận hội và Giải vô địch thế giới. Vậy điều gì đã tạo nên sự xuất sắc của họ? Họ tập luyện, ăn uống, sinh hoạt và suy nghĩ như thế nào? Hãy cùng Sporting News tìm hiểu.
— Trung Phan (@TrungTPhan) October 8, 2023
THƯỞNG CỰC LỚN KHI DỰ ĐOÁN THỂ THAO TẠI ĐÂY
Vì sao Kenya thống trị các môn chạy bộ đường dài?
Yếu tố di truyền
Một trong những lời giải thích phổ biến nhất cho sự thống trị của vận động viên chạy bộ đường dài từ Kenya là yếu tố di truyền. Rất nhiều "runner" từ Kenya là người dân tộc Kalenjin, nổi tiếng với vóc dáng thon gọn, đôi chân dài và dung tích phổi lớn. Đây là những đặc điểm lý tưởng cho việc chạy hiệu quả và bền bỉ trên quãng đường dài.
Nhiều vận động viên chạy đường dài thường có vóc dáng gầy, và họ có thể tập luyện để có dung tích phổi lớn. Tuy nhiên, các vận động viên người Kalenjin có cổ chân và bắp chân đặc biệt thon nhỏ. Điều này rất quan trọng trong chạy bộ, vì trọng lượng càng xa trọng tâm cơ thể thì việc vung chân càng khó khăn.
Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng người Kenya có tỷ lệ "sợi cơ chậm" cao hơn. Đây là loại sợi cơ này có khả năng chống mỏi tốt hơn và tối ưu hóa sử dụng oxy. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng lượng oxy tiêu thụ tối đa có mối tương quan chặt chẽ với khả năng tạo lực của một vận động viên chạy đường dài. Cơ thể bạn xử lý được càng nhiều oxy, bạn càng có thể tạo ra nhiều lực hơn từ các sợi cơ chậm của mình.
Vóc dáng thon gọn, phổi lớn, cổ chân và bắp chân nhỏ, dường như cơ thể của các vận động viên Kenya được "thiết kế" hoàn hảo cho chạy đường dài. Tuy nhiên, chỉ yếu tố di truyền thôi là chưa đủ, và còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thành tích của họ.
DỰ ĐOÁN THỂ THAO TRỰC TIẾP TẠI ĐÂY
Môi trường sống
Một yếu tố khác có thể góp phần vào sự xuất sắc của người Kenya là môi trường sống của họ. Hầu hết các vận động viên Kenya lớn lên ở vùng Thung lũng Rift, nơi có độ cao khoảng 2000 mét so với mực nước biển.
Sống và tập luyện ở nơi có độ cao lớn có thể làm tăng sản xuất hồng cầu vốn có tác dụng mang oxy đến các cơ bắp. Điều này có thể cải thiện khả năng hiếu khí và sức bền, đặc biệt khi thi đấu ở độ cao thấp hơn. Như đã nói, lượng oxy tiêu thụ tối đa có mối tương quan lớn với hiệu suất chạy.

Hơn nữa, nhiều vận động viên Kenya bắt đầu chạy từ khi còn nhỏ như một phần trong đời sống của họ. Những đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn khắc nghiệt thực tế phải chạy bộ khắp nơi. Điều này giúp phát triển hệ tim mạch và hiệu quả chạy bộ của họ, tức là lượng năng lượng tiêu thụ để chạy ở một tốc độ nhất định. Cộng với địa hình ở đó rất phù hợp cho việc chạy bộ, với những ngọn đồi xen kẽ đường đất.
Văn hóa
Đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất định hình nên sự thành công các vận động viên Kenya. Chạy bộ không chỉ là một môn thể thao hay một sở thích đối với họ, mà là một lối sống và một niềm tự hào. Họ được truyền cảm hứng từ những thế hệ đi trước cũng như truyền thống, bao gồm những yếu tố như chăm chỉ, kỷ luật và lòng kiên trì.
Khi vận động viên người Kalenjin là Kipchoge Keino đánh bại nhà vô địch thế giới lúc bấy giờ Jim Ryun ở chung kết nội dung 1500m tại Thế vận hội Mexico City năm 1968, ông không chỉ giành huy chương vàng mà còn mở ra một kỷ nguyên thống trị của người Kenya. Nhưng ít ai biết rằng các bác sĩ đã khuyên Keino không nên chạy vì ông bị nhiễm trùng túi mật chỉ vài ngày trước cuộc đua. Nhiễm trùng túi mật gây đau đớn khủng khiếp và cơn đau tăng lên khi thở mạnh trong lúc chạy. Thật đáng kinh ngạc khi Kipchoge vẫn chịu đựng cơn đau và phá kỷ lục thế giới trong cuộc đua đó. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt về sự bền bỉ. Bộ tộc Kalenjin còn nổi tiếng với khả năng chịu đựng đau đớn tuyệt vời. Thực tế, họ chấp nhận nỗi đau và sử dụng nó để rèn luyện ý chí và thể chất.
Người Kalenjin có một nghi lễ trưởng thành, khi các chàng trai trẻ trải qua một nghi thức để trở thành đàn ông. Toàn bộ nghi lễ này đều tập trung vào khả năng chịu đựng đau đớn. Đầu tiên, họ phải bò qua một đường hầm đầy cây tầm ma đốt trong tình trạng không mặc quần áo. Sau đó, họ sẽ bị đánh vào phần xương mắt cá chân, và axit formic từ cây tầm ma sẽ được xoa lên bộ phận sinh dục. Cuối cùng, họ sẽ bị cắt bao quy đầu bằng một que sắc nhọn. Trong suốt quá trình này, các chàng trai trẻ không được nao núng hay phát ra bất kỳ âm thanh nào. Trong một số phiên bản của nghi lễ, bùn sẽ được bôi lên mặt họ và để khô. Nếu một vết nứt xuất hiện trên lớp bùn do họ nhăn mặt vì đau, họ sẽ bị cả cộng đồng gọi là kẻ hèn nhát.
Với áp lực xã hội to lớn trong việc rèn luyện khả năng chịu đựng đau đớn từ khi còn nhỏ, không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiều vận động viên Kenya thành công đến vậy trong các môn thể thao chạy đường dài, nơi việc vượt qua nỗi đau là một yêu cầu cơ bản trong quá trình tập luyện.
Động lực
Các vận động viên Kenya cũng có một tinh thần cộng đồng và sự hỗ trợ mạnh mẽ, khi họ tập luyện cùng nhau theo nhóm hoặc các "trại huấn luyện" dưới sự hướng dẫn của các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Khi bạn tập luyện với những người giỏi nhất, bạn sẽ ở trong số những người giỏi nhất.
Chạy bộ cũng được xem là một phương tiện để đạt được thành công về kinh tế và sự công nhận xã hội, vì nhiều vận động viên Kenya xuất thân từ những hoàn cảnh nghèo khó và phải đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống. Do đó, họ có động lực mạnh mẽ để chạy nhanh hơn và giành chiến thắng nhiều hơn. Những vận động viên giỏi nhất, như Eliud Kipchoge, và nhiều người đã giành được các danh hiệu quốc tế đã thay đổi cuộc đời họ tốt đẹp hơn và trở thành những người hùng dân tộc. Họ truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ tham gia vào môn thể thao chạy bộ và trở thành những Eliud Kipchoge tiếp theo.
XEM THÊM: Vì sao môn bi a không thi đấu ở Olympic?